Liệu có bao giờ bạn tự hỏi:
“Mình theo nghề content thì 3 năm tới mình là ai? 5 năm tới mình ra sao? 10 năm tới sự nghiệp của mình ở mức độ nào?“.
Chắc là sẽ có thôi! Vì bản thân mình cũng có những lúc như vậy. Chọn làm một công việc gì đó theo hướng chuyên nghiệp, tất nhiên mỗi chúng ta đều mong muốn phát triển và thăng tiến. Vậy nên, bài viết này ra đời trong chuỗi series Agency Writer với mục tiêu giúp bạn nào đó đang hoang mang không biết tiếp theo sẽ như thế nào có được chút hinh dung nho nhỏ.
Nếu bạn là người đó, hãy theo dõi bài viết ngay!
(Dưới đây là những nội dung được mình tìm hiểu và chắt lọc theo kinh nghiệm – kiến thức cá nhân. Nếu có bất kỳ điều gì cần bổ sung – góp ý, đừng ngại mà liên lạc với mình ngay nhé!)
Càng rõ con đường càng dễ phát triển
Content không thể chỉ viết được!
Đã bao giờ bạn tự hỏi “Làm content không lẽ chỉ xoay quanh việc nhận đề, viết bài rồi đề xuất hình ảnh!”
Có phải bạn mơ hồ không biết công việc content của mình rồi sẽ đi đến đâu? Không biết liệu bước tiến của mình tiếp theo đến cái đích nào? Con đường của bạn thực ra là gì?
Mình cũng từng như vậy. Mình vào ngành như một tờ giấy trắng tươi, ai bảo gì làm đó, ai nói sao thì nghe vậy. Nhưng như mình đã từng đề cập trước đó: Khi bạn bắt đầu bước vào ngành một thời gian (có thể là 1-2 năm, tuỳ vào độ tự hỏi của bản thân), bạn sẽ bắt đầu mong muốn xây dựng cho mình con đường đi cụ thể và rõ ràng, bắt đầu nhận định từng bước tiến sự nghiệp.
Khả năng phản biện của bạn tăng lên đồng nghĩa với việc bạn sẽ không còn quá hài lòng với việc dậm chân tại chỗ nữa. Và việc xây dựng lộ trình hay định hướng cho bản thân sẽ giúp bạn tốt hơn.
“Fake it until you make it”.
Nó có nghĩa là bạn có thể tập luyện để có được những kỹ năng của chức danh bạn muốn. Để đến thời điểm phù hợp, bạn sẽ được người khác tôn trọng với chức danh đó.
Bạn đã sẵn sàng cùng mình tìm đường Content chưa? Hãy đọc tiếp nhé.
Các chức dành mà người chọn Content có thể trở thành
1. Content Intern (Thực tập sinh nội dung)
Content Intern (thực tập sinh nội dung) là những bạn vừa mới bước vào môi trường làm việc hoặc có thể là người mới rẽ từ ngành khác. Mình thật lòng khuyên các bạn sắp làm intern nên thử làm tại agency. Vì ở agency bạn sẽ tiếp xúc nhiều công việc và ngành hàng hơn ở client.
Thời gian: tuỳ vào chỗ, trung bình từ 2-3 tháng. Nhưng cũng có nơi lên tới 5-6 tháng, nếu bạn đam mê 😉.
Content Intern có thể làm gì:
- Quản lý và chăm sóc fanpage.
- Tham gia vào các công việc viết lách như research, viết bài chi tiết theo định hướng đưa xuống.
- Tham gia các cuộc họp brainstorm nhỏ trong team để lắng nghe và làm quen với cách làm việc của mọi người.
Content Intern cần gì:
- Không thể thiếu lòng yêu thích viết lách.
- Định hướng muốn làm trong ngành marketing, cụ thể là lĩnh vực phát triển nội dung.
- Khả năng làm việc theo nhóm.
- Tin học văn phòng, tiếng Anh vừa đủ để nghiên cứu.
- Chịu khó.
Kỹ năng Content Intern học để lên Executive:
- Trau dồi khả năng viết thật nhiều thật nhiều vì lên Executive bạn sẽ triển khai viết là đa số, nhưng yêu cầu cao hơn hiện tại.
- Khả năng tự học và khả năng tự quyết định.
Content Executive (Chuyên viên nội dung)
Khi lên chuyên viên (executive), có nghĩa là bạn đã bắt đầu công việc mang tính chuyên môn và trách nhiệm hơn so với lúc làm intern nhiều.
Và tuỳ vào hướng bạn đi mà chức danh này sẽ thay đổi phù hợp, ví dụ có thể là SEO Executive (chuyên về bài SEO), rồi PR hay Social. Tóm lại tùy con đường bạn định hướng mình đi mà sẽ chuẩn bị kiến thức và làm công việc phù hợp. Cũng có thể là bạn sẽ kiêm nhiệm hầu hết các kênh, hay còn gọi là content marketing đa kênh thay vì chuyên môn hoá khả năng của mình.
Bắt đầu từ ngay vị trí Content Executive, bạn nên bắt đầu trải nghiệm và định hướng con đường tiếp theo của mình.
Content Executive làm gì:
- Rành rẽ triển khai bài viết theo kế hoạch đã đề ra. Ví dụ Web Content Executive thì biết viết thế nào để được một bài viết website chuẩn kích thích click, Social Content Executive thì phải biết định dạng ad trên social, bao nhiêu từ thì phù hợp hay post facebook này thì khách thích đọc văn phong thế nào.
- Research và thay đổi tông giọng cho phù hợp với brand hoặc nhãn hàng.
- Triển khai brief hình ảnh và câu chữ.
- Có khả năng hỗ trợ Intern.
Kỹ năng Content Executive cần thêm so với Intern:
- Kỹ năng làm việc nhóm.
- Kỹ năng giao tiếp và truyền đạt.
- Có thể làm việc dưới áp lực và KPI.
- Sắp xếp được công việc và đa nhiệm.
Học gì để lên Senior
- Content Planning
- Đọc hiểu thông số chất lượng.
- Khả năng thuyết trình
Senior Content Executive
Từ vị trí này, hoàn toàn có thể chuyển ra nhiều hướng khác nhau, tuỳ vào bạn muốn đi con đường nào. Senior Content thường có số năm kinh nghiệm từ ít nhất 3 – 5 năm trong ngành. Họ độc lập hơn rất nhiều và đòi hỏi phải biết và làm nhiều hơn so với cấp bậc Junior. Đặc biệt, phải có khả năng tự quyết định và giải quyết vấn đề.
Senior Content làm gì:
- Lên kế hoạch và định hướng cho content thời gian ngắn hạn, tầm 3-6 tháng.
- Có khả năng tự đánh giá và biết mình cần làm gì hoặc đưa được giải pháp khi có vấn đề xảy ra, ở phần triển khai.
- Viết bài lưu loát, triển khai tốt.
- Có thể hỗ trợ Junior và Intern.
Senior Content cần gì:
- Chủ động tìm về đề xuất giải pháp (nếu có vấn đề)
- Kỹ năng lãnh đạo ở từng cấp độ team: 2-3 người, 5-10 người…
- Kỹ năng xoay chuyển tình thế linh hoạt.
Senior Content học gì lên Head hay Lead:
- Liên kết và tổng hợp cùng cái nhìn tổng thể về nội dung.
- Trách nhiệm cao với việc quản lý.
- Kỹ năng giao tiếp và trình bày.
Head of Content/Lead Content (tuỳ nơi)
Đây là một chức danh tùy vào agency mà có hay không. Thường thì chức Head of Content chỉ xuất hiện tại global agency nhưng Lead Content thì local agency có. Báo cáo trực tiếp cho Content Manager hoặc Creative Leader. Nôm na thì vị trí này sẽ quản lý hầu hết các lĩnh vực nội dung.
Head of Content/Lead làm gì:
- Quản lý team của mình và phân bổ đầu việc.
- Kiểm soát deadline và lịch phân phối bài viết hay nội dung đúng thời gian.
- Kiểm soát chất lượng nội dung làm ra.
- Là người chịu trách nhiệm chính nếu content không đạt yêu cầu về chất lượng hay số lượng.
- Nếu agency 360 độ, họ có khả năng đa nhiệm và đa lĩnh vực cao, có khả năng nắm được hầu hết các mảng về content
Head of Content/Lead cần gì:
- Teamwork và lãnh đạo đồng hành.
- Làm việc tốt với các lead team khác.
- Trình bày ý tưởng và thuyết phục.
Content Strategist
Đây là những content rẽ hướng hẳn sang mảng nghiên cứu và định hướng Content. Và có cái tên dịch ra tiếng Việt rất oai: Nhà Chiến lược Nội dung.
Bạn có thể họ bắt gặp ở cả agency lẫn client: để lập chiến lược cho những nội dung lâu dài và có tính xuyên suốt. Vì vậy, những vị này phải có đầu óc rất là tài tình.
Content Strategist làm gì:
- Nghiên cứu và làm proposal thần sầu: món hàng này bán sao, đi branding sao, viết bao bài, bao kênh. => Nhiệm vụ chính là phải xây dựng được một đường đi hiệu quả.
- Khả năng tổng thể về cả nội dung và hình ảnh.
- Kiểm soát được ngân sách content. (không đến mức phải chi ly như account hay manager nhưng sẽ nắm được tổng thể) để lên chiến lược phù hợp.
Content Strategist cần gì:
- Trình bày đỉnh cao và kỹ năng thuyết phục.
- Thấu hiểu khách hàng và nhãn hàng, rất hiểu luôn.
- Có khả năng tư vấn.
Content Strategist hoàn toàn có thể phát triển thành Content Manager, Brand Manager.
Content Marketing Manager
Quản lý toàn bộ về content marketing.
Phải nắm được cả về kinh doanh, chiến lược, đường lối, định hướng, tài chính. Rồi cả nhìn được nhìn chuyện lông gà vỏ tỏi như quý này chạy nhiêu tiền ads ha. Để lỡ có chuyện lố lăng hay nhiều nhặn là bóc liền.
Biết quản lý dòng tiền được sử dụng cho mục đích content. Ví dụ, nếu bạn nhận ngân sách bao nhiêu đó, cho chiến lược 2 quý cuối năm 2020. Thì bạn chỉ được phép đề xuất, họp bàn và làm việc với phòng mình để lên cho tầm ngân sách đó thôi.
Content Manager là một người có khả năng lãnh đạo, tầm nhìn xa, khả năng chiến lược tốt và đặc biệt, biết trung hoà giữa nhiều luồng ý kiến để tạo quyết định.
Muốn lên cấp này, việc học về kinh doanh, trau dồi thêm nhiều chút tài chính và quản lý tài nguyên con người.
Vì thường lên tới Content Manager rồi thì người ta hổng có triển khai, chỉ quản lý người khác thôi.
Freelancer Content Writer
Đây là một con đường rõ ràng khả thi cho người làm nghề Content.
Tuy nhiên, bạn có thể kiếm bao nhiêu tiền thường phụ thuộc vào năng lực của bạn.
Một người viết content mức nhập môn không thể nào so sánh được với một senior đã có kinh nghiệm 4-5 năm. Hoặc việc bạn không có khả năng lập plan/định hướng/tư vấn sẽ bớt đi của bạn không ít dịch vụ có thể cung cấp.
Vì thế, con đường này, tốt nhất bạn hãy đi khi đã xâm nhập vào content fulltime từ 3-4 năm đã. Và trau dồi cho mình một ngón nghề gì đó thật tốt nhé!
Kết
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã nắm được phần nào từng bước đường Content. Trong khả năng, mình cố gắng làm rõ nhất cho bạn. Thật ra, nghề content có hướng lắm: hãy đi rồi bạn sẽ đến được đích đến mong muốn của mình. Những nội dung và từng chức danh mình cung cấp chỉ là mang tính chất tham khảo thôi. Vì vậy, đừng giới hạn bản thân nghen.
Nếu bạn yêu thích nghề viết, và muốn thử sức làm content có thể đọc thêm bài viết Làm thế nào để viết lách và kiếm tiền?
Nguồn tham khảo:
- Careermacth – How to be a head of content. Content Marketing Manager.
- Nguồn ảnh: Pinterest.
Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi đến tận bây giờ.
Jeen Nguyễn
=======================
Bài viết trước trong series Agency Writer:
Bài 1: Agency là gì? Người Viết có vai trò gì?
Bài 2: Cách mình phân biệt Copywriter và Content Writer.
Bài 3: Kinh nghiệm xương máu sống chung với đồng đội.
Bài 4: Người Hướng nội làm quảng cáo/content như thế nào?
Jeen Nguyễn
=============================
Note: Nội dung trên thuộc bản quyền của Jeen Nguyễn. Về thông tin bổ sung, bạn xem thêm tại trang Bản quyền-hợp tác!
Nếu thấy các bài viết hữu ích, bạn có thể ủng hộ blog tại đây!
Cảm ơn bạn.
[…] Bài 5: Từng chức danh Content có thể trở thành. […]
[…] Bài 5: Từng chức danh Content có thể trở thành. […]
[…] Bài 5: Từng chức danh Content có thể trở thành. […]