Ngắn hay dài vốn không quan trọng. Quan trọng là bạn viết sao cho người đọc thích.
Vậy nên, hãy tìm hiểu một dạng bài viết có vị thế rất riêng : Longform.
Longform là gì?
Longform là dạng bài viết từ dài đến siêu dài (từ 1000 đến 20000 từ).
Bạn có thể bắt gặp dạng bài này ở báo chí, blog chuyên ngành, v.v… Longform với độ dài của mình mang đến cho người đọc nhiều kiến thức và trải nghiệm hơn.
Longform thường được chắp bút bởi người viết lâu năm kinh nghiệm vì dạng bài này không đơn giản: từ khâu nghiên cứu, lập dàn ý đến triển khai. Nó đòi hỏi bạn bỏ nhiều thời gian hơn, thậm chí cần chuyên sâu một lĩnh vực nào đó.
Nếu với dạng bài khác, bạn có thể làm việc theo kiểu “mì ăn liền” thì đối với longform, bạn rất khó để khiến người đọc hài lòng nếu như vậy.
Theo Viperchill (trang blog chuyên về marketing), tùy vào chủ đề mà người đọc có nhu cầu số chữ khác nhau. Trong đó, tám chuyện chỉ cần tầm 183, marketing cần 1083, Tài chính cần 1225, Phát triển bản thân cần tầm 1470, v.v…
Một số trang bạn có thể tham khảo về dạng longform:
Đọc chậm (kenh14)
tiếng Anh thì có:
Longform (Vogue), v.v…
Tại sao mình thường viết long form?
Sở thích chỉ chiếm một phần nhỏ. Trên hết, mình nhận ra luyện viết ở dạng này giúp khả năng logic được cải thiện. Từ thời điểm 2 năm trước ai đọc cũng bảo khó hiểu, đến hiện tại mình đã tiến một bước dài.
Một lý do quan trọng khác mà bạn không thể bỏ lỡ Longform giúp trang website hoặc kênh của bạn có độ tăng trưởng ổn định và vững chắc. Điều này được hình thành dựa trên việc thu hút người đọc và níu chân họ ở cùng bạn bằng cách cung cấp cho họ nhiều kiến thức, quan điểm và trải nghiệm hơn là các dạng bài viết khác.
Có một nguyên tắc ngầm trong content là chỉ khi mang lợi ích đến cho độc giả, họ mới tiếp tục theo dõi câu chữ của bạn. Dù ngắn hay dài. Lợi ích đó là gì? Niềm vui, sự tích cực, đồng cảm, trải nghiệm, kiến thức, v.v…
Bên cạnh các vấn đề trên, dạng bài viết này sở hữu ưu điểm và hạn chế riêng.
Ưu điểm và hạn chế của dạng bài viết longform
Ưu điểm:
Longform giúp người đọc đi từ kiến thức này đến kiến thức khác. Họ hoàn toàn có thể trải qua cảm giác vỡ òa sung sướng khi phát hiện ra điều gì đó mới mẻ và họ chưa từng đọc hay thấy ở đâu.
Dạng bài viết này cho phép bạn phân tích chuyên sâu về một vấn đề giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn. Chính những điều trên sẽ giúp bạn và bài viết của mình nổi bật hơn trong mắt người đọc.
Ngay cả độc giả khó tình cũng bắt đầu có cảm tình với bạn.
Hạn chế:
Số lượng chữ gần như tỷ lệ thuận với khả năng logic và kiến thức của người viết.
Viết dài không có nghĩa là bạn ráng cho nó dài ra như làm văn thời phổ thông bằng câu chữ liên kết vô nghĩa. Vốn chỉ viết được 1 trang, nhưng xin thêm tờ nữa cho dài. Ngày xưa, thầy cô đọc bài bạn vì họ cần chấm bài, còn người đọc hiện tại đâu có trách nhiệm đó.
Ví dụ như mình, vì đọc quá nhiều thứ mỗi ngày nên khi tiếp xúc bài viết nếu đọc 2 câu đầu mà mình thấy không ổn là mình bỏ luôn. Vì 2-3 câu đầu là điều bạn phải trau chuốt để nó thu hút nhất. Thế mà nó vẫn không hay thì chất lượng bên dưới khả năng cao là thấp.
Bài viết dài mất nhiều thời gian và công sức làm việc hơn. Bình thường viết 500 từ bạn chỉ cần 20-30 phút để xong draft thì với bài trên 1000 từ, bạn sẽ mất gấp đôi thậm chí gấp 3, 4 lần. Đôi khi viết xong một cái, bạn cảm giác như toàn bộ năng lượng bị rút sạch sẽ, không biết có làm được việc khác nữa không.
Nội dung dù ngắn hay dài đều có những thách thức riêng với người viết. Ngắn thì làm sao để chắt lọc từ ngữ phù hợp, đủ ý và thu hút nhất. Dài thì phải níu được chân người đọc, khi khả năng tập trung của họ không cao.
Vậy làm sao để tạo được nội dung Longform hiệu quả, phù hợp với khách hàng và nâng cao chất lượng của content/bài viết, tham khảo một số cách bên dưới nhé!
Cách triển khai longform hiệu quả:
1. Hiểu tường tận điều mình muốn viết
Một khi chọn longform bạn nên tự hỏi: BẠN CÓ HIỂU VẤN ĐỀ MÌNH ĐỀ CẬP ĐẾN KHÔNG?
Bài viết càng dài, người viết càng phải rành rẽ vấn đề mình cần nói, nếu không muốn rơi vào tình cảnh người đọc cảm giác nhàm chán và lan man. Thậm chí, phản ứng ngược: “Ồ người chấp bút hoàn toàn không tin tưởng vào điều mình viết, vậy thì mình có lý do gì mà tin.”
Nếu bạn vốn là chuyên gia của lĩnh vực đó, thì câu chuyện này rất đơn giản. Nhưng nếu không thì sao?
Câu trả lời rất đơn giản: Bạn cần tìm hiểu nó nhiều hơn điều bạn nghĩ là phù hợp. Đây thật sự là trải nghiệm và đúc kết riêng của mình.
Nếu bạn chỉ đang làm công việc triển khai, tức là nhận topic (chủ đề) và angle (hướng đi) về để viết thì bạn sẽ khó nhận ra vấn đề này hơn khi đã tham gia vào việc lên kế hoạch.
Hiện tại, xung quanh một chủ đề, ví dụ content marketing đi, có rất nhiều nội dung khác nhau, đôi khi angle được xác định chưa thực sự phù hợp vì có quá nhiều sự cạnh tranh. Lúc này bạn sẽ cần phải làm sao cho nó tốt hơn.
Điều này được xây dựng bằng kiến thức, sự thấu hiểu lĩnh vực đó và cả khả năng chọn vấn đề nữa.
2. Từng bước chọn lọc vấn đề của mình
Mình chọn vấn đề bằng cách nào: rất nhiều bước.
- Bước 1: Chọn keyword của lĩnh vực đó. Ngay cả khâu chọn keyword để search này cũng khá mất thời gian. Hãy chọn từ 3-5 keyword liên quan. Đừng chọn quá ít gây hạn chế kiến thức, cũng đừng chọn quá nhiều gây lan man.
- Bước 2: Search theo keyword. Tài liệu chọn đọc tốt nhất là các kênh chính thông, càng tốt hơn nữa là báo cáo/nghiên cứu của các tổ chức. Như vậy bạn sẽ khách quan hơn.
- Bước 3: Đọc 1 lượt các bài viết. Mình thường chọn theo 2 cách: 1 là điều mà người ta đặt câu hỏi nhiều nhất, 2 là điều mà người ta ít đề cập nhất. Nguyên nhân vì đặt câu hỏi nhiều tức là nhu cầu, ít đề cập tức là không có cạnh tranh.
- Bước 4: Một bài viết, pick ít nhất 3 vấn đề. Và hãy hỏi ai đó xem họ ok chủ đề nào hơn. Hãy tìm người có kiến thức trong lĩnh vực đó, nếu bạn tìm được, không thì phỏng vấn nhiều hơn.
3. Sở hữu 1 chiếc dàn ý phù hợp
Dàn ý chiếm một phần cực kỳ quan trọng trong việc thu hút người đọc.
Chỉ khi nào bạn tạo nên 1 chiếc dàn ý hấp dẫn thì độc giả mới theo dõi đến tận cuối cùng.
Về vấn đề này mình đã có viết một bài siêu kỹ và hướng dẫn rất cụ thể rồi. Bạn có thể tham khảo cách lập dàn ý chiều tâm lý người đọc của mình tại đây!
4. Ngôn từ của bạn là điều cần chú trọng
Một bài viết Longform thường hướng đến vấn đề cụ thể nào đó. Để thu hút người đọc quan tâm, ngôn từ của bạn cần phải phù hợp với đối tượng đó. Ngoài việc trau dồi kiến thức liên quan, bạn còn cần chú ý quan sát và ghi chú cách dùng từ của họ. Bạn có thể lưu lại các câu hỏi sau:
- Họ sẽ thích từ ngữ thế nào?
- Cách giao tiếp với nhau thế nào: gần gũi như bạn bè hay cần lịch sự chuyên nghiệp?
- Ngoài ra, nếu bài viết đề cập đến một ngành nghề chuyên môn, bạn cần quan tâm đến từ ngữ chuyên ngành và các vấn đề liên quan: đối tượng bạn hướng đến là master (chuyên gia) hay newbie (người mới) để dùng các loại từ phù hợp. Ví dụ, từ ROI (Return on Investment – tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu) có thể một bạn trái ngành mới vào không hiểu nhưng các bạn có kinh nghiệm làm việc hoặc học ngành Marketing sẽ hiểu chẳng hạn.
Về điều này. bạn có thể tham khảo sâu hơn qua bài viết về 4 loại hình người đọc của content writer!
Bạn cũng có thể tham gia nằm vùng ở các group có đối tượng muốn hướng đến chẳng hạn.
5. Nên biến bài viết đơn giản thôi bằng cách thức thể hiện
Mình luôn ghi nhớ 3 câu này khi triển khai bất kỳ điều gì – đơn giản hay phức tạp:
– Viết điều đơn giản bằng cách đơn giản – bình thường
– Viết điều đơn giản bằng cách phức tạp – nên bỏ đi.
– Viết điều phức tạp bằng cách đơn giản – bậc thầy.
(Nguồn: anh Sơn Đức Nguyễn – 1 idol về branding)
Một khi bạn đã đủ hiểu một vấn đề đến mức có thể diễn giải đơn giản dễ hiểu với tất cả mọi người, bạn gần như sẽ thành công với dạng longform này.
Nếu bạn chưa thể triển khai dễ hiểu được, khả năng cao bạn chưa đủ hiểu nó.
6. Nên xây dựng nội dung xen kẽ
Tức là bạn vừa có content Longform vừa có content ngắn hơn hoặc định dạng khác.
Nguyên nhân vì bạn sẽ khó có đủ khả năng mà xây quá nhiều bài Longform được. Thêm nữa, đa dạng hóa cách thức thể hiện bài viết sẽ giúp bạn thu hút được nhiều đối tượng hơn.
Một số dạng bài khác như Inforgraphic, GIF hay Video cũng rất đáng quan tâm.
7. Đừng quên kiểm tra kỹ lưỡng sau khi viết xong
Phần biên tập rất quan trọng. Đặc biệt với bài viết dài.
Một bài viết dài hoàn toàn có thể được viết đi viết lại 2-3 lần trước khi hoàn chỉnh.
Có những lúc đọc xong thấy không hấp dẫn, mình bỏ hết và viết lại luôn.
Tuy nhiên, “Hoàn thành bao giờ cũng tốt hơn hoàn hảo”. Đừng vì biến nó trở nên hoàn hảo mà bỏ qua deadline nhé.
Qua bài viết này, mong bạn đã nắm được Longform là gì và cách triển khai nó hiệu quả để thu hút người đọc.
Mình rất mong nhận được những chia sẻ hoặc trải nghiệm của bạn về dạng bài viết này vì mình cũng cần học hỏi rất nhiều. Khi chia sẻ nhiều hơn, mình nhận ra mình học được nhiều hơn nữa khi nhận được góp ý. Hihi
Jeen,
Nguồn tham khảo:
- Wordstream.
- Tạp chí Quartz.
- Wikipedia.
=============================
Note: Nội dung trên thuộc bản quyền của Jeen Nguyễn. Về thông tin bổ sung, bạn xem thêm tại trang Bản quyền-hợp tác!
Nếu thấy các bài viết hữu ích, bạn có thể ủng hộ blog tại đây!
Cảm ơn bạn.
Em đã từng viết bài về lĩnh vực bảo hiểm – cực kỳ nhức đầu và mệt mỏi.
Em rất thích câu nói của chị “Ngắn hay dài vốn không quan trọng. Quan trọng là bạn viết sao cho người đọc thích”. Có nhiều bài viết bây giờ 30k/1000 từ, mặc dù có cầu thì có cung, nhưng em không hiểu tại sao chất xám bây giờ lại rẻ thế. Việc cố gắng nới bài dài ra mà không mang lại lợi ích gì cho người đọc thì coi như là không thành công.
Bài viết của chị cực kỳ hữu ích luôn ạ.
Cám ơn chị rất nhiều.
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị chúc em ngày càng thành công hơn trên con đường viết lách nha