Working Tips Viết Cơ Bản

Để viết content nhanh mà đúng

Reading Time: 7 minutes

Nhiều bạn than rằng bản thân viết chậm. Không những chậm mà còn dễ sai, dễ bị feedback và sửa lại nhiều lần. Điều đó làm bạn thiếu tự tin về ngôn từ hay sản phẩm bằng con chữ của bản thân vô cùng. Bên cạnh đó, các bạn cũng không thể kiếm thêm thu nhập từ bên ngoài vì thời gian viết chậm dẫn đến sản xuất không được nhiều nội dung hay bài viết. 

Thực ra, ai cũng từng trải qua một thời gian như vậy hết. Tôi cho rằng phải có những giai đoạn như vậy thì một người mới có thể bứt phá và trở nên tốt hơn. Bởi vì chính tôi cũng thế!

Không biết tôi đã từng chia sẻ chưa nhưng bản thân tôi từng có lúc viết một bài tầm 1000 từ kéo dài đến mấy ngày trời, cũng có giai đoạn phải sửa đi sửa lại các bài viết đến hơn chục lần.

Vậy tôi đã làm như thế nào để từ một người viết chậm và hay sai thành người viết nhanh mà đúng? Theo dõi nội dung hôm nay để biết chi tiết bạn nhé!

Viết chậm và sai vì đâu?

Trước khi đi vô giải quyết vấn đề, chúng ta cần làm rõ nguyên nhân tại sao vấn đề đó lại xuất hiện. Nguồn cơn nào làm bạn viết chậm? Và lý do bạn dễ viết sai là gì?

Theo kinh nghiệm cá nhân và những lần feedback bài với cương vị quản lý nội dung của tôi sẽ có những nguyên nhân lớn dưới đây cho 2 vấn đề trên:

Viết chậm:
  • Tôi không biết cách viết lách và loay hoay trong việc sắp xếp câu chữ.
  • Tôi không có ý tưởng để triển khai bài này.
  • Tôi sợ nội dung của mình không tốt nên cứ liên tục sửa đi sửa lại nhiều lần.
  • Tôi mất rất nhiều thời gian để làm quen với một chủ đề hoặc sản phẩm mới.
  • v.v…
Viết sai:
  • Tôi thiếu nghiên cứu hiệu quả nên không có cơ sở viết bài, dẫn đến sếp đọc lên và thấy không thuyết phục.
  • Tôi sắp xếp câu chữ thiếu logic.
  • Tôi đọc nội dung và hiểu sai mục tiêu bài viết. Từ đó dẫn đến bài viết đi sai hướng.
  • Tôi không biết sếp và đồng nghiệp hay khách hàng muốn gì để viết bài cho đúng nhu cầu.
  • Tôi thiếu tính đồng bộ và có phần tham lam nhiều ý trong bài viết.
  • Tôi không viết đủ các tính năng sản phẩm trong bài viết của tôi.
  • v.v…

Trên đây là một số những nguyên do lớn và phổ biến lý giải tại sao các bạn newbie content writer viết chậm (rất kỹ lưỡng và chăm chỉ) nhưng còn sai (sai ở đây là sai mục tiêu, sai ý, sai thông điệp…)

Có phương pháp nào giúp viết nhanh mà đúng ngay không?

Tiếc rằng câu trả lời của tôi là không có.

Những cách dưới đây tôi chia sẻ sẽ giúp bạn cải thiện trong một thời gian ngắn (có thể từ 2 tuần đến 1 tháng trở lên) chứ không tác dụng ngay lập tức.

Ban đầu, bạn sẽ thấy cực kỳ khó khăn vì thực tại quá phũ phàng nhưng bạn lại muốn mình tiến nhanh hết mức bởi xung quanh người ta có vẻ giỏi giang quá. Họ đã tiến đến mức làm plan (kế hoạch) hay direction (định hướng) rồi mà mình còn loay hoay với viết lách. Tôi biết cảm giác đó.

Nhưng bạn đã từng nghe câu này chưa?

“Không phải thiên phú, càng không phải tài năng, mà chính sự kiên định mới là điểm mấu chốt đưa một người đến thành công.”

Bạn chỉ cần kiên nhẫn với chính mình một chút, nhất là với những hạn chế và ngây ngô ở-hiện-tại của bản thân. Rồi bạn sẽ thấy, điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

Tôi đề cập đến điều này một cách rõ ràng và thẳng thắn với mong muốn: dù sau khi thực hành các phương án tôi đưa ra mà chưa thấy hiệu quả rõ rệt nhưng bạn vẫn tiếp tục kiên trì với lựa chọn của mình.

Làm thế nào viết nhanh mà đúng?

Những phương pháp dưới đây khá đơn giản, ai cũng làm được.

Luôn xác định bộ ba: mục tiêu – target – nội dung chính trước khi viết

Đó là bộ ba giúp bạn kiểm soát được các nội dung của mình đúng và đủ ý dù có như thế nào đi chăng nữa.

Trong khi viết, chúng ta có xu hướng để suy nghĩ đi chơi xa và lang thang khắp nơi nếu không có bộ ba này. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều tay viết mới. Họ quan điểm về viết theo cách khá nghệ sĩ rằng cần phải không có giới hạn cho sáng tạo và rằng suy nghĩ lang thang mới là điều giúp họ thăng hoa hơn. Điều đó không sai nhưng không phù hợp lắm với mảng viết nội dung quảng cáo – tiếp thị. Ở mảng này, bạn cần đúng và đủ ý trước đã. Và nếu bạn là người mới, bạn sẽ khó hình thành điều trên nếu không có kỷ luật ngay từ ban đầu.

Để đúng và đủ ý, trước mỗi bài viết, bạn có thể bắt đầu hình thành thói quen viết xuống câu trả lời cho 3 câu hỏi dưới đây:

  • Tôi muốn độc giả làm gì sau bài viết này?
  • Ai là người đọc bài viết này của tôi và họ như thế nào?
  • Những ý chính mà dù biên tập bao nhiêu lần, tôi cũng không thể bỏ đi?

Tôi nhắc lại một lần nữa là thói quen nhé! Tức là bài nào, dù nhỏ hay lớn, dù ít chữ hay nhiều chữ, bạn cũng nên thực hiện công việc này.

Viết theo quy trình

Vẫn là một trong những phương pháp tôi giới thiệu suốt và có hiệu quả rõ rệt với các học viên của tôi.

Các bạn thường bảo rằng: ban đầu viết theo quy trình rất khó vì nó đòi hỏi mình phải phá vỡ các thói quen viết trước đó, nó cũng bắt mình phải suy nghĩ và tập trung cao độ hơn nhưng sau tầm một thời gian áp dụng, viết bỗng dễ dàng hơn rất nhiều.

Điều này được nghiên cứu bằng khoa học hẳn hoi. Theo nghiên cứu của trường đại học Stanford, não bộ con người không thích các công việc đa nhiệm: tức là vừa làm cái này vừa làm cái kia.

Việc viết mà các bạn chưa làm theo quy trình được cho là một hình thức đa nhiệm. Vì bạn sẽ vừa viết vừa sửa, vừa viết vừa suy nghĩ nên viết gì… Nó không chỉ khiến bạn không thể tập trung vào từng bước tốt nhất mà còn gián tiếp đẩy bạn đến việc giảm sút khả năng kiểm soát nhận thức. Đã bao giờ bạn viết nhưng trong vô thức chưa: đọc lại cũng chẳng biết mình đang viết cái gì? Chính điều đó làm giảm tốc độ viết của bạn và phải sửa đi sửa lại nhiều lần đấy!

Tôi có thể đưa ra một ví dụ minh họa rõ ràng: bạn thử test với chính mình xem. Với cùng 1 đề bài viết, cùng 1 thời gian, nếu bạn chia nhỏ việc viết ra thành nhiều nhiệm vụ nhỏ hơn và tập trung vào từng nhiệm vụ thì bạn sẽ được kết quả tốt hơn nhiều so với nhập chúng lại làm một và thực hiện.

Vậy các nhiệm vụ nhỏ trong công việc viết lách có thể chia ra là gì?

Thử thách tốc độ viết bằng cách đặt đồng hồ bấm giờ

Cách này tôi thường làm lắm, nhất là vào thời gian khi còn làm ở agency để đẩy tốc độ của bản thân lên. Tôi từng chia sẻ rằng viết chậm cũng không sao đâu ở một bài viết trước đúng không và điều đó chẳng có gì mâu thuẫn với câu chuyện bấm giờ này cả. Vì khi tôi bắt đầu bấm giờ, nghĩa là tôi đã hình thành được 2 thói quen để kiểm soát nội dung đúng và đủ ý như phần tên trên.

Bạn có thể thử với một task viết mà mình thấy là đã bắt đầu ổn định về chất lượng với hai yếu tố đúng – đủ để tránh việc làm nhanh mà ẩu nhé.

Cách thực hiện: Ở đây là task viết một bài post đăng trên nền tảng Facebook để quảng bá sản phẩm chẳng hạn.

  • Bước 1: Bạn viết như thường nhưng kết hợp đặt đồng hồ bấm giờ để xem bạn sẽ viết tốc độ bao nhiêu với một task như vậy. Ví dụ bạn viết trong 1 tiếng.
  • Bước 2: Bạn cũng viết một task tương tự nhưng lần này dùng đồng hồ bấm ngược với thời gian ngắn hơn thời gian được đo ở bước 1. Ở trên viết trong 1 tiếng được hoàn chỉnh thì ở đây bạn nên để đồng hồ bấm ngược là 55 phút.
  • Bước 3: Đến khi nào bạn đạt được mốc thời gian bấm ngược số 2, hãy tiếp tục giảm 5 phút nữa. Cứ thế.
  • Lưu ý: đừng giảm quá nhiều thời gian vì sẽ không hiệu quả nhé.

 

Trên đây là các phương pháp giúp bạn viết nhanh mà đúng hơn. Hy vọng chúng hữu ích với bạn. Đừng quên tất cả những cách này sẽ có hiệu quả khi nào bạn vận dụng trong một khoảng thời gian, chứ không phải ngay tắp lự nhé. Vì vậy, thử kiên trì một chút xem sao.

Cảm ơn bạn vì đã đọc tới những dòng cuối cùng này. Hẹn gặp lại bạn ở bài viết sau.

Jeen Nguyễn


👉 Đăng ký lớp Content để tìm con đường viết phù hợp nhé: Cơ bản 08

Nếu thấy bài viết hữu ích, bạn có thể ủng hộ Jeen một cuốn sách ở trang Donate.

Lưu ý: Vui lòng tôn trọng chất xám và sáng tạo của người sản xuất nội dung, artist, designer bằng việc KHÔNG SAO CHÉP/COPY/REUP. Tất cả nội dung trên thuộc sở hữu của Jeen Nguyễn. Về thông tin bổ sung, bạn xem thêm tại trang Bản quyền-hợp tác!

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *